Biểu tượng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

Giới thiệu luận văn “Biểu tượng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du”
Tác giả: Phạm Thị Thùy Linh
http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/23555
“Sở dĩ Truyện Kiều đã trở thành một kiệt tác vĩ đại, một trong những nguyên nhân cơ bản nhất là Nguyễn Du đã sử dụng Tiếng Việt thần tình, kì diệu”- Nguyễn Khánh Toàn.


Lý giải sức mạnh ngôn ngữ trong Truyện Kiều một số học giả cho rằng Nguyễn Du đã kết hợp hài hòa ngôn ngữ bình dân: sử dụng nhiều khẩu ngữ, nhiều  “chữ nước” và ngôn ngữ bác học: nhiều điển tích, điển cố, ước lệ, tượng trưng, nhiều chữ đúc và nâng Tiếng Việt lên trình độ mới trong sáng tạo nghệ thuật.
 Một số nhà phê bình lại nghiên cứu sự thành công của ngôn ngữ Truyện Kiều từ phương diện phân tích cấu trúc ngôn ngữ, hệ thống ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp...
Tuy nhiên nhà Lí luận văn học Nga Bakthin khẳng định “Vấn đề trung tâm của lí thuyết ngôn ngữ thơ là vấn đề biểu tượng thơ ca”.  Ngôn ngữ trong Truyện Kiều cũng là ngôn ngữ được “tín hiệu hóa” bằng các hình ảnh biểu tượng, tượng trưng, ẩn dụ, hóa dụ...

 
 
Biểu tượng trong Truyện Kiều là cơ sở giải mã hình tượng, cơ sở lí giải tính biểu trưng, tính hàm súc, tính giàu sức gợi: gợi hình ảnh, gợi cảm xúc, gợi tư tưởng...bởi biểu tượng luôn chứa “những khả năng nảy sinh quan niệm”.
Thống nhất và xuyên suốt tư tưởng của Nguyễn Du trong Truyện Kiều là sự băn khoăn, trăn trở đầy lo âu về vận mệnh của con người, là sự thể hiện quan niệm về cái đẹp và hành trình số phận cái đẹp được biểu hiện tập trung qua cuộc đời, số phận nhân vật Thúy Kiều. Tư tưởng ấy chi phối việc xây dựng các hình ảnh và cặp hình ảnh biểu tượng: Trời, vườn- tường, đêm, nước- hoa, châu ngọc- vàng đá, gió mưa, tuyết sương, bèo mây..
Nhân vật Thúy Kiều là biểu tượng hoàn hảo về cái đẹp. Vẻ đẹp của nàng trong trắng, thanh cao như “nước”, tươi trẻ, giàu sức sống như “hoa”, hoàn mĩ như “ngọc”. Nhưng có lẽ chính vì thế mà nàng lại chịu kiếp đời “lênh đênh trôi dạt” như bản chất “trôi chảy” của “nước”, chịu kiếp mong manh dễ tàn phai của đời “hoa”, và trải qua biết bao thử thách gian nan như đời “vàng ngọc”. Nguyễn Du đã dùng chuỗi biểu tượng mang sắc thái ý nghĩa đối lập để thể hiện trọn vẹn thân phận và vận mệnh của nàng Kiều.

 
 
Luận văn thông qua việc nghiên cứu  những  hình ảnh biểu tượng nổi bật trong thơ Nguyễn Du: thiên nhiên, con người, xã hội để thấy rõ được nét sáng tạo và đặc điểm tư duy nghệ thuật thơ Nguyễn Du, góp phần làm nên phong cách độc đáo của nhà thơ này.
Tìm hiểu, phân tích ý nghĩa đa dạng của những hình ảnh biểu tượng không chỉ là cơ sở để thâm nhập vào thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Du mà còn giúp chúng ta có được cái nhìn bao quát về diện mạo và quá trình phát triển của thơ ca Việt Nam thời kỳ trung đại.
Luận văn cũng khẳng định tài năng, vị trí và những đóng góp đáng trân trọng của Nguyễn Du trong nền văn học Việt Nam trung đại.
Luận văn là tài liệu nghiên cứu cho sinh viên chuyên ngành Văn học, là tài liệu tham khảo cho các giảng viên, giáo viên...có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về tác giả Nguyễn Du.
Title: Biểu tượng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
Authors: Phạm, Thị Thùy Linh
Issue Date: 2016
Publisher: Đại học Quốc gia Hà Nội
Description: 110 tr.
URI: http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/23555
Appears in Collections:Luận văn - Luận án (LIC)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến