Di cư lao động xuyên biên giới của người Ngái ở Lục Ngạn, Bắc Giang
http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/54619
Giới
thiệu luận văn “Di cư lao động xuyên biên giới của người Ngái ở Lục Ngạn, Bắc
Giang”
Tác
giả: Lương Thị Trang
Luận
văn được phát triển trên cơ sở lý thuyết về vai trò của các yếu tố “sức ép và sức
đẩy” (push & pull factors) trong di cư và “mạng lưới xã hội” (social
network) để tìm hiểu về phong trào tự phát di cư lao động sang Trung Quốc tìm
việc làm. Những phát hiện chính của luận văn thấy kể từ sau bình thường hóa
quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và chính sách mở cửa biên giới, đã hình thành một
trào lưu di cư lao động tự do tìm việc làm bên Trung Quốc, trong đó các nhóm tộc
người sinh sống dọc khu vực biên giới phía Bắc, đặc biệt là người Ngái, đã tận
dụng được cơ hội việc làm và mạng lưới xã hội của họ để thúc đẩy trào lưu di cư
tự do xuyên biên giới.
Người
Ngái ở Bắc Giang, bao gồm các nhóm nói tiếng Ngái và tiếng Khách, một phương ngữ
Trung Quốc phổ biến ở vùng Quảng Tây và Quảng Đông, hiện nay vẫn được kê khai
là người Hoa. Nhóm này đã di cư vào Việt Nam qua đường biên giới vào tỉnh Hải
Ninh (cũ), Quảng Ninh hiện nay trong khoảng thế kỷ 18,19 và đầu thế kỷ 20 và
sau đó di cư dần lên phía Bắc, bao gồm địa bàn các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên,
Lạng Sơn và di cư vào Nam năm 1954. Năm 1978-1979, do chiến tranh biên giới,
nhiều gia đình người Ngái đã bỏ về Trung Quốc và được đưa vào làm việc trong
các đồn điền chè và các công ty của Trung Quốc ở Phúc Kiến, Quảng Đông và Quảng
Tây. Chính lịch sử di cư này đã tạo ra một mạng lưới xã hội quan trọng giúp người
Ngái có thể sử dụng hiệu quả vào chiến lược di cư tìm việc làm bên Trung Quốc.
Ba yếu tố quan trọng nhất tạo nên mạng lưới xã hội của người Ngái, đó là ngôn
ngữ, quan hệ thân tộc và quan hệ tộc người. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hầu
hết người lao động Ngái đã sử dụng quan hệ này vào tìm kiếm việc làm bên Trung
Quốc.
Những
mối quan hệ họ hàng, người quen, và sự thuận lợi trong giao tiếng ngôn ngữ địa
phương đã mở ra cho người Ngái những cơ hội tìm kiếm nhiều việc làm tại Trung
Quốc, trong khi ở Việt Nam, sức ép của đói nghèo và nhu cầu cải thiện cuộc sống
đã trở thành bức thiết đối với lao động. Lựa chọn di cư tìm việc làm được xem
như một chiến lược sinh tồn mới của nhiều hộ gia đình người Ngái Bắc Giang. Tuy
nhiên cần phải nhấn mạnh rằng trong loại hình di cư lao động tự do, ngoài hai yếu
tố sức ép và mạng lưới xã hội thì người môi giới trung gian giữa lao động và chủ
thuê nhân công có vai trò đặc biệt quan trọng. Họ tổ chức di cư, đàm phán mức
lương, và trực tiếp quản lý lao động theo yêu cầu của chủ, thậm chí thay mặt chủ
phát lương và giúp công nhân giữ lương cho đến khi xong công việc. Cho đến nay,
môi giới di cư còn ít được nghiên cứu và trường hợp của người Ngái Bắc Giang đã
cho thấy vai trò nổi bật của môi giới lao động.
Loại
hình công việc chủ yếu mà người di cư tìm được bên Trung Quốc là trồng và chặt
mía, làm công nhân trong các công xưởng, và những dịch vụ tự do như bốc vác, vận
chuyển hàng hóa và công nhân xây dựng. Những công việc này dù hết sức vất vả và
nặng nhọc nhưng đem lại một mức lương cao gấp 2 đến 3 lần so với mức lương cùng
loại hình công việc ở Việt Nam. Ngoài ra, sự thiếu hụt sức lao động đơn giản
trong các đồn điền và công xưởng bên Trung Quốc đã thu hút lao động nhàn rỗi Việt
Nam. Chủ lao động thường tạo điều kiện cho người lao động di cư đến làm việc bằng
cách hỗ trợ nhà ở và ăn uống. Trong mối quan hệ này, người chủ thường nắm thế
chủ động và người làm thuê luôn ở trong thế bị động và bấp bênh khi gặp phải sự
cạnh tranh hoặc thiếu việc làm do không có bất kỳ sự ràng buộc nào về pháp để
chủ và thợ phải tuân thủ. Đây là điểm yếu căn bản trong hoạt động di cư lao động
tự do, làm cho quyền lợi người lao động có thể bị xâm hại bất cứ lúc nào.
Động
cơ chính của trào lưu di cư lao động tự do của người Ngái Bắc Giang là do sức
ép của đói nghèo và thiếu việc làm. Để có được việc làm, họ chấp nhận mọi rủi
ro có thể xẩy đến bất chấp di cư bất hợp pháp qua biên giới. Trong điều kiện
như vậy, người Ngái lao động tại Trung Quốc luôn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm,
trong đó có việc họ có thể bị đuổi về nước bất kỳ lúc nào nếu bị lực lượng cảnh
sát Trung Quốc phát hiện. Ngoài ra, sự thiếu vắng của những ràng buộc pháp lý
giữa chủ và thợ, giữa lao động và người môi giới, cũng như vị thế mong manh dễ
vỡ của người lao động làm họ có thể trở thành miếng mồi của các nhóm xã hội đen
và cướp bóc. Tuy nhiên, có một thực tế là cuộc sống của các gia đình người Ngái
có lao động bên trung Quốc đã được cải thiện rất nhiều nhờ số tiền họ kiếm được
từ công việc làm thuê ở Trung Quốc.
Title: | Di cư lao động xuyên biên giới của người Ngái ở Lục Ngạn, Bắc Giang |
Authors: | Lương Thị Trang |
Keywords: | Nhân học Người Ngái Bắc Giang |
Issue Date: | 2017 |
Publisher: | H. : Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn |
Description: | 181 tr. |
URI: | http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/54619 |
Appears in Collections: | USSH - Master Theses |
Nhận xét
Đăng nhận xét