Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng từ 1986 tới nay

http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/36826



Giới thiệu luận văn “Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng từ 1986 tới nay”
Tác giả: Đào Thị Minh Hường


Luận văn đã nghiên cứu một cách khái quát thế giới nhân vật trong truyện ngắn của nhà văn Ma Văn Kháng từ năm 1986 tới nay, trên các phương diện như: Quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người; các kiểu nhân vật; nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng.
Chương 1: Hành trình nghệ thuật của Ma Văn Kháng và vị trí thể loại truyện ngắn trong sáng tác của nhà văn Nhìn lại những chặng đường lớn khi theo đuổi nghiệp viết văn của Ma Văn Kháng, với 22 năm ở Lào Cai (Tây Bắc), và từ năm 1976 đến nay ở Thủ đô Hà Nội, trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau và hiện tại ông đang ở vị trí hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; thì có thể khẳng định, thành quả trong hành trình sáng tác trên nửa thế kỉ của nhà văn Ma Văn Kháng, được đánh giá là đồ sộ: với trên 200 truyện ngắn, tạp văn, 13 tiểu thuyết và một hồi kí văn chương. Đây là những cống hiến lớn lao nhất ông dành cho nghệ thuật và cũng là những món quà quý nhất Ma Văn Kháng đáp lại lòng yêu mến của công chúng đã đón nhận tác phẩm của nhà văn trong mấy chục năm qua. Cùng với tiểu thuyết, truyện ngắn là lĩnh vực đầy sức thu hút đối với Ma Văn Kháng. Thực tế, đây là thể loại mà Ma Văn Kháng viết rất khoái hoạt, thường xuyên và cũng dành được nhiều sự quan tâm của độc giả. Truyện ngắn đưa nhà văn đến với duyên văn chương, và cũng là truyện ngắn, thể loại đầu tiên Ma Văn Kháng có được những thành tựu nhất định trong suốt hành trình cầm bút của mình. Là thể loại gần gũi với cuộc sống hàng ngày và rất năng động khi xoáy sâu vào những vấn đề nóng bỏng, bức xúc đang được độc giả quan tâm. Vậy nên, với Ma Văn Kháng viết truyện ngắn tự nhiên như việc con người hít thở để sinh tồn. Mỗi cảnh đời ông từng đi qua và chứng kiến đều có thể trở thành đối tượng để nhà văn chắt gạn nên hình hài nghệ thuật. Và truyện ngắn chính là thể loại giúp nhà nghệ sĩ thoả sức sáng tạo nên tác phẩm của mình từ muôn vàn mảnh hiện thực như vậy.
 Chương 2: Các kiểu nhân vật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng. Thế giới nhân vật của Ma Văn Kháng thật đông đảo và sinh động trong những bức tranh đời sống thế sự đa tạp, trong dòng đời sinh hoá hồn nhiên. Trong thế giới nhân vật đông đảo ấy, chúng tôi tạm phân định thành 4 kiểu loại nhân vật. Đó là kiểu nhân vật yếu đuối, nhân vật bi kịch, nhân vật tha hoá và nhân vật vượt lên số phận. Cùng chức năng khái quát hiện thực, khái quát tính cách, mỗi kiểu loại nhân vật với đặc trưng cơ bản của nó còn là phương tiện chuyển tải những quan điểm nhân văn của tác giả về số phận con người. Từ cuối những thập kỉ 80 đến nay, bằng các kiểu nhân vật yếu đuối, nhân vật lạc lõng, nhân vật tha hoá, nhân vật bi kịch, nhân vật vượt lên số phận, Ma Văn Kháng đã thể hiện một khát vọng cháy bỏng là hoàn thiện con người. Ông muốn truy tìm căn nguyên của cái xấu, cái ác và những biểu hiện nhiều mầu sắc của sự tha hoá trong tính cách con người, bằng vào việc đi sâu khai thác, mổ xẻ những hành động, những diễn biến tâm lí sâu kín của nhân vật với mục đích để người đọc đối chiếu, xem xét lại bản thân và rút ra bài học tự hoàn thiện.
Chương 3: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng. Khảo sát thế giới nhân vật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng sau 1986, theo chúng tôi, nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn được tập trung chủ yếu vào 3 yếu tố, đó là: yếu tố tướng hình, yếu tố tâm linh và yếu tố ngôn ngữ, giọng điệu. Với nghệ thuật dùng tướng hình để đoán biết tính người, Ma Văn Kháng đã đem tới sự mới mẻ, cuốn hút cho tác phẩm. Cùng với yếu tố tướng hình, dưới góc nhìn tâm linh, nhà văn đã mang tới cho thiên truyện những nét đậm đặc của hồn cốt văn chương truyền thống; lấy thiện, mĩ để thanh trừ phần xấu và phần chưa thiện của con người, góp phần kéo con người trở về với cái nhân bản. Trong nghệ thuật xây dựng nhân vật Ma Văn Kháng đặc biệt chú ý đến yếu tố ngôn ngữ. Mỗi kiểu người lại gắn với những ngôn ngữ nhất định và thường không thay đổi. Thông qua ngôn ngữ ấy, tính cách, phẩm chất con người được bộc lộ rõ nét.
Tóm lại, trên con đường đi đến thế giới nghệ thuật của nhà nghệ sĩ, Ma Văn Kháng coi con người là đối tượng, là chất liệu để nhận thức hiện thực và sáng tạo nghệ thuật. Hơn thế, những mô hình nhân vật ấy sẽ góp phần thể hiện sâu sắc những quan niệm nghệ thuật của nhà văn về số phận con người và cuộc đời. Với những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc của mình, Ma Văn Kháng góp phần không nhỏ vào việc đổi mới nền văn học đương đại Việt Nam. Có thể xem việc làm của chúng tôi ở luận văn này là một sự ghi nhận cũng như khẳng định tài năng nghệ thuật của Ma Văn Kháng. Hi vọng rằng, sau cuốn hồi kí văn chương “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” và tập truyện ngắn “Trốn nợ” mới được xuất bản gần đây, nhà văn Ma Văn Kháng sẽ tiếp tục có những đóng góp cho văn học dân tộc thêm nhiều những sáng tác văn chương có giá trị nữa.


Title: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng từ 1986 tới nay : Luận văn ThS. Văn học: 60 22 34
Authors: Hà, Đình Đức, người hướng dẫn
Đào, Thị Minh Hường
Keywords: Ma, Văn Kháng, 1936-
Thế giới nhân vật
Truyện ngắn
Nghiên cứu văn học
Văn học Việt Nam
Issue Date: 2010
Publisher: ĐHKHXH & NV
Abstract: 99 tr. + CD-ROM
Luận văn ThS. Văn học Việt Nam -- Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010
Chương 1: Hành trình nghệ thuật của Ma Văn Kháng và vị trí thể loại truyện ngắn trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn. Chương 2: Các kiểu nhân vật chính trong truyện ngắn Ma Văn Kháng. Chương 3: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng
Electronic Resources
URI: http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/36826
Appears in Collections:USSH - Master Theses

Nhận xét

Bài đăng phổ biến